Một số giải pháp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại Công đoàn cơ sở Sở Thông tin và Truyền thông
Để thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Công đoàn cơ sở Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật mới về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Hướng dẫn số 37/HD-TLĐ, ngày 24 tháng 12 năm 2024, hướng dẫn Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động. Tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai tuyên truyền trên các trang Facebook, fanpage, zalo của cơ quan.
Song song với đó, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia, phối hợp với thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Phối hợp tổ nghị công chức, người lao động đã trở thành diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và vai trò đại diện của công đoàn cơ sở trong việc tham gia với Thủ trưởng cơ quan xây dựng kế hoạch công tác, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNVCLĐ; hoàn thiện các quy chế nội bộ. Việc tổ chức hội nghị công chức, người lao động và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức hội nghị công chức, người lao động năm 2024
Tại Hội nghị công chức, người lao động đã thông qua các báo cáo và công chức, người lao động được trao đổi, trình bày các tham luận trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đề xuất những giải pháp trong thời gian tới. Cùng với đó, Giám đốc Sở, Chủ tịch công đoàn cơ sở tiếp thu, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của công chức, người lao động đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của công chức, người lao động, các biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tiếp theo của Sở. Hội nghị cũng được nghe Ban Thanh tra nhân dân Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Kế hoạch hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân năm tiếp theo. Hội nghị lấy ý kiến biểu quyết của công chức, người lao động đối với từng nội dung cụ thể.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 156/QĐ-STTTT, gồm: 3 Chương, 20 Điều, tại các điều đều được quy định cụ thể, rõ ràng, đối với nội dung “Công khai thông tin”, “Nội dung, hình thức công chức, người lao động bàn và quyết định” được thể hiện bằng các phụ lục chi tiết từng nội dung công khai, tương ứng với đối tượng, hình thức công khai. Đồng thời có quy trình từng bước triển khai: Hội nghị công chức, người lao động; Bầu Ban Thanh tra nhân dân; Trình tự tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công chức, người lao động có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân; Tổ chức đối thoại với công chức, người lao động tại nơi làm việc. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua tập thể lãnh đạo Sở, Công đoàn, công chức, người lao động Sở Thông tin và Truyền thông luôn đồng thuận, đoàn kết tập trung triển khai nhiệm vụ chuyên môn, hằng năm đều đảm bảo hoàn thành trên 95% kế hoạch, nhiệm vụ của Bộ TT&TT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao.
Với những kết quả đạt được, để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là: Chú trọng xây dựng ý thức dân chủ, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở, phải tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền và cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức và ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của đoàn viên, CNVCLĐ về dân chủ, khi hiểu rõ giá trị của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, họ sẽ tích cực tham gia.
Hai là: Đề xuất với Công đoàn cấp trên tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ công đoàn, bởi lẽ cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ tại cơ sở. Cần tăng cường đào tạo, tập huấn đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán, đồng thời đảm bảo kiến thức pháp luật lao động và quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở để cán bộ công đoàn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, CNVCLĐ.
Ba là: Nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, người lao động, công đoàn cơ sở có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, người lao động. Công đoàn cơ sở phải nắm chắc quy trình hội nghị để có thể phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, người lao động. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chủ động trong việc chuẩn bị nội dung, bố trí thời gian và phối hợp với Chủ tịch công đoàn cơ sở chỉ đạo hội nghị theo quy định.
Bốn là: Khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Trước hết cần lựa chọn, bố trí những người có phẩm chất, năng lực tốt, được đoàn viên, CNVCLĐ tín nhiệm làm công tác thanh tra nhân dân. Các thành viên tham gia Ban thanh tra nhân dân phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, ý thức đầy đủ về vị trí, vai trò và phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định.
Năm là: tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt nêu gương người đứng đầu các cấp theo quy định của Đảng trong thực hiện Quy chế dân chủ. Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng phải thật sự trong sạch vững mạnh. Duy trì công tác đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ ít nhất mỗi năm một lần.
Sáu là: siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật thông qua quy chế làm việc của đơn vị, tác phong lề lối làm việc của CNVCLĐ trong quy tắc ứng xử, thái độ trong quan hệ mật thiết với nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Có thể nói, dân chủ và kỷ luật là sức mạnh của một tập thể. Thực tế sinh động chứng minh rằng ở đâu, khi nào dân chủ được thực thi thì ở đó sẽ phát huy tốt tiềm năng, trí tuệ con người. Có dân chủ thì mọi người được biết, được tự do bàn bạc, tự do đóng góp ý kiến của mình. Qua đó xuất hiện nhiều ý kiến hay, có giá trị cho công việc chung của tập thể. Còn kỷ luật, kỷ cương được hiểu là những quy định tạo nên tính thống nhất trong mọi hoạt động, giúp định hướng cho các thành viên trong tập thể tập trung vào giải quyết những công việc mà tập thể đang đòi hỏi ở mỗi cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ chung. Như vậy, dân chủ và kỷ luật, kỷ cương sẽ góp phần tạo ra sự tự giác và thống nhất giúp huy động được một cách có hiệu quả tiềm năng và sự nhiệt huyết của mọi người đóng góp cho tập thể. Tuy nhiên, tuyệt đối không được lợi dụng, lạm dụng dân chủ để lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, thậm chí kích động gây thiệt hại lớn trên nhiều phương diện... Do vậy, phát huy dân chủ, đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm rất cần thiết, nhưng song song với đó, rất cần thiết là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.