Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, Đề án 15/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai năm 2024. Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập Đoàn giám sát, do đồng chí Vũ Cao Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh làm trưởng đoàn, cùng các đồng chí đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở LĐ-TBXH tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Mục 3.4, Điểm 3, Phần III thuộc Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030 tại huyện Bát Xát và 02 xã Sàng Ma Sáo và Tòng Sành.
Trong 02 ngày 14-15/10, Đoàn tập trung giám sát các nội dung liên quan đến việc tuyên truyền, triển khai các quy định của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan đến đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động...
Giám sát tại xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát)
Huyện Bát Xát và 02 xã Sàng Ma Sáo và Tòng Sành đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Mục 3.4, Điểm 3, Phần III thuộc Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy Lào Cai. UBND huyện Bát Xát đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy trong lãnh đạo thực hiện, đồng thời tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và chính quyền các xã, thị trấn với nhiều giải pháp hữu hiệu trong đẩy mạnh kiên kết, nâng cao chất công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm đến các xã; đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Kết quả đã có nhiều lao động các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề, phát triển kinh tế, thoát ly đi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn còn thấp, khả năng tiếp cận thị trường của lao động còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, do đặc điểm sinh hoạt, tập quán, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số tâm lý ngại đi học, không muốn thoát ly gia đình. Một bộ phận người dân sau khi tốt nghiệp THCS, THPT còn chưa coi việc học nghề là chỗ dựa vững chắc đối với việc lập nghiệp, tìm việc làm và tự tạo việc làm ổn định lâu dài. Tính kỷ luật, kỷ cương của người lao động chưa cao, vẫn mang tính tự phát nay làm mai nghỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc của đơn vị sử dụng lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở dạy nghề trên địa bàn mặc dù đã được đầu tư xây dựng nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần cho công tác đào tạo nghề; đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDNN-GDTX của huyện hiện nay còn thiếu.
Sau đào tạo nghề, việc sử dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào cuộc sống còn nhiều hạn chế. Một bộ phận lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn duy trì tập quán và thói quen canh tác, sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm, coi sản xuất nông nghiệp nói riêng và các hoạt động khác trong khu vực nông thôn nói chung là công việc giản đơn không phải học, do vậy nhiều người không muốn tham gia học nghề. Các nghề được tổ chức đào tạo trên địa bàn huyện chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và phục vụ công việc lao động sản xuất tại chỗ.
Giám sát tại xã Tòng Sành
Phát biểu kết luận các buổi giám sát, đồng chí Vũ Cao Minh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận sự cố gắng và kết quả đạt được việc thực hiện Mục 3.4, Điểm 3, Phần III thuộc Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030 tại huyện Bát Xát. Qua đây, đồng chí đề nghị trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cần có những giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương để tạo thêm việc làm và thu nhập nâng cao đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.