TÓM TẮT LỊCH SỬ CÔNG ĐOÀN LÀO CAI

1. Sự ra đời của Công đoàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn từ  (1951 – 1954)

Sau ngày Lào Cai được giải phóng (12/11/1946), kinh tế - xã hội được dần dần khôi phục và ổn định. Một số công sở được thành lập và đi vào hoạt động như: Ty Kinh tế, Ty Giao thông Công chính, Thuế quan ... Các công sở thành lập từ trước ngày giải phóng được tăng cường cán bộ như: Ty Bình dân học vụ, Ty Thông tin, Ty Bưu điện, Ty Y Tế. Số lượng công chức, viên chức tăng nhanh gấp 3 lần so với trước ngày giải phóng. Trên địa bàn Lào Cai, một số công trình trọng điểm của Quốc gia được khôi phục như: Hệ thống cầu, tuyến đường sắt. Trước tình hình đội ngũ công nhân viên chức phát triển đòi hỏi phải có tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Lào Cai có Nghị quyết thành lập Công đoàn Lào Cai.

Phong trào công nhân viên chức và các hoạt động công đoàn ở Lào Cai phát triển mạnh đòi hỏi phải có cơ quan công đoàn tỉnh ổn định vững mạnh, có đủ điều kiện chỉ đạo hoạt động công đoàn. Tháng 4/1951, Ban vận động thành lập Liên hiệp Công đoàn tỉnh ra đời gồm một số đồng chí lãnh đạo các đơn vị có nhiều công nhân viên chức như: Công an, Ty Bưu điện, Ty Giáo dục, Văn phòng Uỷ ban hành chính kháng chiến. Ban vận động thành lập Liên hiệp Công đoàn tỉnh có một bộ phận chuyên trách do đồng chí Hồng Toàn phụ trách. Tháng 6/1951, Liên hiệp Công đoàn tỉnh lâm thời được chính thức thành lập.

Ngày 15 tháng 11 năm 1951, được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Tỉnh ủy Lào Cai và Liên hiệp Công đoàn khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức tại Soi Mười – Vạn Hòa, đồng chí Hồng Toàn được bầu làm Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai. Hệ thống tổ chức Công đoàn tỉnh được kiện toàn, đến năm 1954 Lào Cai có 10 Công đoàn ty, ngành, công trường; 4 phân đoàn gồm: 1 phân đoàn thợ may, 1 phân đoàn thợ mộc, 2 phân đoàn ở các cơ quan; 57 tiểu phân đoàn; 6 tập đoàn vận tải. Tổng số đoàn viên công đoàn có 435 người.

2. Công đoàn tỉnh Lào Cai trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai đoạn từ (1955 – 1965)

Lào Cai sau ngày hòa bình lập lại, hầu hết các cơ sở công nghiệp bị chiến tranh tàn phá. Mỏ Apatit ngừng khai thác, nhà máy điện, nước bị phá hỏng, Các mỏ khai thác thủ công bị đình trệ. Một số cơ sở thủ công rèn đúc, dệt vải tuy được khôi phục từ ngay từ khi Lào Cai giải phóng nhưng khó có điều kiện phát triển vì thiếu nguyên liệu. Toàn bộ hệ thống đường sắt bị phá hỏng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lào Cai đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo khôi phục và phát triển giao thông công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sau ba năm khôi phục nền kinh tế, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Lào Cai có những bước tiến vững chắc. Đội ngũ công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai được củng cố.

Đầu năm 1957, Đại hội lần thứ II Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Liên hiệp Công đoàn tỉnh gồm 9 đồng chí, đồng chí Hồng Toàn được bầu lại làm Chánh Thư ký. Đây là đại hội đánh dấu quá trình phát triển của phong trào công nhân, công đoàn tỉnh Lào Cai.

Ngày 22/3/1957 Tỉnh ủy Lào Cai thành lập Đảng đoàn Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai do đồng chí Hồng Toàn làm Bí Thư.

Hệ thống Công đoàn được tiếp tục củng cố, đến cuối năm 1957 Liên hiệp Công đoàn tỉnh quản lý 30 Công đoàn cơ sở và 7 tổ công đoàn trực thuộc với tổng số đoàn viên là 4.285 người.

Đầu năm 1960, Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ III được tổ chức. Đại hội đã kiện toàn lại Ban Chấp hành và Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Trí Nghị được bầu làm Chánh Thư ký. Sự chỉ đạo hoạt động của Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh khóa III đã có sự chủ động, giải quyết được một số vấn đề bức xúc của công đoàn về công tác tổ chức và phong trào thi đua.

Đại hội IV được tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 1961, đồng chí Nguyễn Trí Nghị được bầu lại làm Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai.

Tháng 7 năm 1963, Đại hội Công đoàn tỉnh Lào Cai lần thứ V được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Trí Nghị tiếp tục được bầu lại làm Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai.

Hệ thống Công đoàn có sự thay đổi, toàn tỉnh có 42 đoàn ngành, Công đoàn cơ sở được tổ chức theo 3 cấp gồm: Công đoàn cơ sở, Công đoàn bộ phận và Tổ Công đoàn; năm 1963 số lượng đoàn viên tăng lên 7.000 người, đội ngũ cán bộ công đoàn từ Tổ trưởng công đoàn đến Thư ký Công đoàn tỉnh là 1.475 người.

3. Công đoàn tỉnh Lào Cai trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giai đoạn từ (1965 - 1975)

 Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy lào Cai và Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Miền Bắc. Công đoàn đoàn tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến với hướng trọng tâm đó là: Xây dựng, củng cố và phát triển địa phương, động viên lực lượng công nhân viên chức hăng say lao động sản xuất, bảo vệ củng cố hậu phương vững chắc, tăng cường chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hệ thống Công đoàn tỉnh có nhiều thay đổi, biến động năm 1967 có: Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh, một Công đoàn 4 cấp, 9 cấp Công đoàn ngành, 149 Công đoàn cơ sở, 162 Công đoàn bộ phận và 1.368 tổ Công đoàn.   

Đại hội VI tổ chức vào năm 1969, đồng chí Nguyễn Xuân Tiếu được bầu làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai.

4. Công đoàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn hợp nhất 3 tỉnh thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ (1976 - 1991)

Thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa V ngày 27/12/1975 về việc bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và hợp nhất một số tỉnh của miền Bắc, ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 13/02/1976, Ban Chấp hành Đảng bộ Hoàng Liên Sơn ra Quyết định số 14-QĐ/CB chỉ định đồng chí Lê Đình Tịch - nguyên Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Yên Bái làm Chánh Thư ký, đồng chí Lều Văn Tuyết - nguyên Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Yên Bái, đồng chí Bùi Hồng Toàn - nguyên Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai, đồng chí Sa Văn Đá, nguyên Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Nghĩa Lộ làm Phó Thư ký.

Đại hội VII (Tức Đại hội I Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn) Tổ chức vào tháng 7 năm 1977, đồng chí Lê Đình Tịch được bầu làm Thư ký, đồng chí Lều Văn Tuyết, đồng chí Hồng Toàn, đồng chí Sa Văn Đá được bầu làm Phó Thư ký, đến năm 1978 đồng chí Lê Đình Tịch chuyển công tác khác, đồng chí Sa Văn Đá được cử giữ chức Thư ký. Hệ thống Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn được củng cố, năm 1980 toàn tỉnh có 09 Công đoàn ngành, 17 Công đoàn huyện, thị; 339 Công đoàn cơ sở, 758 Công đoàn bộ phận; 6.425 tổ Công đoàn; 74.702 đoàn viên và 300 cán bộ công đoàn chuyên trách.     

Đại hội VIII (Tức Đại hội II Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn) Tổ chức vào ngày 15 tháng 1 năm 1981. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 6 đồng chí, đồng chí Nông Thị Kim Hồng được bầu làm Thư ký, đồng chí Đặng Văn Luy, đồng chí Đỗ Văn Liên được bầu làm Phó Thư ký. Ban kiểm tra tài chính gồm 07 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thiện - Ủy viên Thường vụ làm Trưởng ban. Hệ thống Công đoàn tỉnh đến năm 1982 có 15 Công đoàn huyện, 02 Công đoàn thị xã, 01 Công đoàn Liên hiệp xí nghiệp, 10 Công đoàn ngành địa phương, 400 Công đoàn cơ sở, 722 Công đoàn bộ phận và 6.535 tổ Công đoàn với 86.098 đoàn viên trong tổng số 93.858 Công nhân viên chức lao động.

  Đại hội VIX (Tức Đại hội III Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn) Tổ chức vào tháng 8 năm 1983. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Nông Thị Kim Hồng được bầu làm Thư ký, đồng chí Đặng Văn Luy, đồng chí Đỗ Văn Liên được bầu làm Phó Thư ký. Đại hội bầu Ủy ban kiểm tra gồm 09 đồng chí do đồng chí Lê Xuân Cương là Chủ nhiệm. Hệ thống Công đoàn tỉnh được kiện toàn một bước bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo yêu cầu về số lượng và được tăng cường về chất lượng. Đến năm 1988, toàn tỉnh có 17 Công đoàn huyện, thị xã, 08 Công đoàn ngành, 703 Công đoàn cơ sở, 1.327 Công đoàn bộ phận, 6.645 tổ Công đoàn với hơn 9 vạn đoàn viên, cán bộ công đoàn không chuyên trách 12.276 người, cán bộ công đoàn chuyên trách 324 người.

Đại hội X (Tức Đại hội IV Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn) Tổ chức vào tháng 9 năm 1988. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Đỗ Văn Liên được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Đàm Xuân Đông, đồng chí Vũ Khang được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Ủy ban kiểm tra gồm 07 đồng chí do đồng chí Lê Xuân Cương làm Trưởng ban.

5. Công đoàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn thực hiện Công nghiệp hoá, Hiện đại hóa đất nước, từ (1991 - nay)

Ngày 01/10/1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia thành 2 tỉnh Yên bái và Lào Cai. Tổng LĐLĐ Việt Nam có Quyết định số 597-QĐ/TLĐ tách Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai có 11 đồng chí Ủy viên BCH và 1 Ủy viên Ủy ban kiểm tra do đồng chí Đàm Xuân Đông làm Chủ tịch, đồng chí Ninh Quang Đại làm Phó Chủ tịch. Công tác tổ chức Công đoàn được bàn giao từ Công đoàn tỉnh Hoàng Liên Sơn gồm 9 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã; 4 Công đoàn ngành; 216 Công đoàn cơ sở; 22.676 cán bộ công nhân viên; 79 cán bộ công đoàn chuyên trách. Trong đó: Cơ quan LĐLĐ tỉnh 15 người, Nhà nghỉ Công đoàn Sa Pa 16 người, Công đoàn ngành 3 người, LĐLĐ huyện, thị xã 26 người, 19 người ở Công đoàn cơ sở.

Sau khi tách tỉnh, nhiệm chủ yếu của Công đoàn tỉnh Lào Cai là: Tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức công đoàn các cấp từ tỉnh đến cơ sở để đi vào hoạt động đáp ứng được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Lào Cai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh được bổ sung thêm 8 đồng chí và 4 đồng chí Ủy viên Ủy ban kiểm tra; hệ thống tổ chức Công đoàn tỉnh Lào Cai được củng cố có 6 Công đoàn ngành, 4 Công đoàn cơ sở 4 cấp, 173 Công đoàn cơ sở, 1.250 tổ Công đoàn. Cơ quan LĐLĐ tỉnh có 6 Ban chuyên đề.       

Đại hội XI tổ chức tại Thị xã Cam Đường từ ngày 28 đến 29 tháng 5 năm 1993. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Đàm Xuân Đông được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Ninh Quang Đại được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội XII tổ chức tại Thị xã Lào Cai từ ngày 03 đến 04 tháng 7 năm 1998. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 31 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Trần Tiến Hòa được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Quang Tụ, đồng chí Trang Thị Xinh được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT gồm 5 đồng chí và bầu đồng chí Trang Thị Xinh làm Chủ nhiệm UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội XIII tổ chức tại Hội trường lớn UBND tỉnh từ ngày 22 đến 23 tháng 7 năm 2003. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Trang Thị Xinh được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Vịnh, đồng chí Nguyễn Xuân Sách được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT gồm 5 đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạch làm Chủ nhiệm UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội XIV tổ chức tại Hội trường lớn UBND tỉnh từ ngày 28 đến 30 tháng 6 năm 2008. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Trang Thị Xinh được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Sách, đồng chí Tạ Thị Thu Huyền được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT gồm 5 đồng chí và bầu đồng chí Phạm Văn Công làm Chủ nhiệm UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội XV tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 2013. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 12 đồng chí, đồng chí Tạ Thị Thu Huyền được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Long, đồng chí Vũ Đức Chung, đồng chí Nguyễn Minh Thái được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT gồm 7 đồng chí và bầu đồng chí Bùi Thị Khánh Hà làm Chủ nhiệm UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội XVI tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai từ ngày 10 đến 11 tháng 4 năm 2018. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Long được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Minh Thái, đồng chí Vũ Đức Chung, đồng chí Đỗ Lê Tín được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT gồm 7 đồng chí và bầu đồng chí Đoàn Việt Trung làm Chủ nhiệm UBKT Liên đoàn Lao động tỉnh.

Hệ thống Công đoàn tỉnh Lào Cai từ năm 1999 đến nay liên tục được củng cố và phát triển, hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý trực tiếp 08 LĐLĐ huyện, 01 LĐLĐ thành phố, 06 Công đoàn ngành, 02 Công đoàn cấp trên cơ sở, 1.265 Công đoàn cơ sở với tổng số 42.769 đoàn viên công đoàn; phối hợp quản lý 23 Công đoàn cơ sở trực thuộc các Công đoàn ngành Trung ương đóng trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ Công đoàn được kiện toàn, hiện nay toàn tỉnh có 9.281 người, trong đó: Chuyên trách 88 người, bán chuyên trách 9.193 người. Được bố trí ở các cấp như sau: Cấp tỉnh 45 người, trong đó: Chuyên trách 33 người, bán chuyên trách 12 người; cấp trên trực tiếp của cơ sở: 568 người, trong đó: Chuyên trách 55 người, bán chuyên trách 513 người; cấp cơ sở 8.668 người, trong đó: Chủ tịch CĐCS, NĐ 1.265 người, Ủy viên BCH CĐCS, NĐ 2.024 người, Chủ tịch CĐCS thành viên 23 người, Ủy viên BCH CĐCS thành viên 69 người, Ủy viên BCH CĐ bộ phận 492 người, Tổ trưởng và tổ phó CĐ 4.795 người.     

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập